Cách làm bánh trung thu thập cẩm ngon, dễ làm, chi tiết

Ngày đăng: 07/09/2024 bởi Điện máy Tuấn Liên

Thời gian chuẩn bị:
Thời gian làm:

Vào mỗi dịp tết Trung thu, nhà nhà lại quây quần cùng nhau thưởng thức món bánh trung thu thập cẩm truyền thống và nhâm nhi tách trà nóng. Cách làm bánh trung thu thập cẩm lại cực kỳ đơn giản, dễ thực hiện. Dưới đây, Điện máy Tuấn Liên sẽ chia sẻ công thức làm bánh trung thu thập cẩm truyền thống cùng những biến tấu độc đáo và cách làm chi tiết, giúp bạn thành công ngay từ lần đầu tiên.

Cách làm bánh trung thu thập cẩm nướng 

Chuẩn bị nguyên liệu và dụng cụ 

Để làm bánh trung thu thập cẩm nướng (cho 10 cái bánh, 150gr/bánh), bạn cần thời gian chuẩn bị là 30 phút và những nguyên liệu sau đây:

  • 300 gram bột mì đa dụng (bột mì số 11)
  • 10 gram bột bánh dẻo
  • 100 gram lạp xưởng (đã luộc chín, cắt hạt lựu)
  • 100 gram hạt dưa (tách vỏ)
  • 100 gram hạt điều
  • 100 gram hạt sen
  • 100 gram mứt bí
  • 100 gram mứt vỏ cam
  • 100 gram mứt vỏ chanh
  • 100 gram mứt gừng
  • 100 gram mè trắng
  • ½ quả chanh
  • 50ml rượu mai quế lộ
  • 1 muỗng cà phê nước hoa bưởi
  • 1 muỗng cà phê nước tro tàu
  • 2 quả trứng gà
  • Gia vị: 20ml dầu mè, 500ml đường, 1 muỗng cà phê muối
  • Dụng cụ: Lò nướng, lò vi sóng, muỗng, tô, nồi, khuôn làm bánh, cây cán bột,…

Lưu ý, bột đa năng là loại bột mì được xay mịn từ lúa mì và là loại bột phổ biến nhất trong nấu nướng và làm bánh. Bột đa năng có thể phân loại dựa trên hàm lượng protein (gluten) và mức độ tinh chế, trong đó, bột mì số 11 là loại bột có hàm lượng gluten cao, rất thích hợp để làm bánh trung thu.

Ngoài ra, để làm bánh trung thu ngon, việc lựa chọn hạt sen chuẩn cũng rất quan trọng. Hạt sen để làm bánh trung thu cần lựa chọn loại hạt già (khi nấu, sen già sẽ thơm ngon hơn sen non), hình dáng tròn, màu vàng đậm hoặc trắng ngà.

Đối với trứng gà, quả trứng phải có lớp phấn mỏng, màu trắng ở bên ngoài. Vỏ trứng nhẵn bóng, màu sáng. Sờ vào vỏ trứng, sẽ cảm nhận được sự ram ráp, nặng tay.

Đối với lạp xưởng, nên mua lạp xưởng tươi, có màu đỏ hồng tự nhiên, thấy được độ trong của phần thịt bên trong, ngửi được mùi hương đặc trưng của rượu, hạt tiêu và gia vị.

Đối với các loại hạt, mứt, nên mua những loại được đóng gói bao bì, có nhãn mác và hạn sử dụng đầy đủ.

Ngoài lò nướng chuyên dụng để làm bánh trung thu thập cẩm, bạn có thể dùng nồi chiên không dầu. Do dung tích nhỏ nên nồi chiên không dầu chỉ có thể nướng một số lượng ít bánh, nhưng về ưu điểm, nồi chiên không dầu thường nóng nhanh và có thể nướng bánh trong thời gian ngắn hơn so với lò nướng truyền thống.

Nấu nước đường 

Nấu nước đường là một bước quan trọng trong quá trình cách làm bánh trung thu thập cẩm nướng. Nước đường được nấu trước không chỉ giúp bánh có màu sắc đẹp mắt mà còn ảnh hưởng đến hương vị, độ mềm mại của vỏ bánh và thời gian bảo quản.

Các bước làm nước đường như sau:

  • Vắt ½ quả chanh thành nước cốt và để vào một chén nhỏ
  • Cho vào nồi 300ml nước, nước cốt của ½ quả chanh, và 500 gram đường.
  • Đun sôi hỗn hợp trên bếp (để lửa vừa, không khuấy), và chờ đến khi đường tan hết.
  • Sau khi nước đường sôi, giảm lửa và tiếp tục đun thêm 55 – 60 phút nữa.
  • Để hỗn hợp nước đường nguội hẳn.

Làm nhân bánh 

Nhân bánh trung thu thập cẩm nướng truyền thống là sự kết hợp phong phú của nhiều nguyên liệu đa dạng, gồm các loại mứt, hạt, lạp xưởng và gia vị.

Cụ thể, cách làm nhân bánh trung thu thập cẩm nướng truyền thống như sau:

  • Trộn 100 gram hạt điều, 100 gram hạt dưa tách vỏ, 100 gram mè trắng trong một tô lớn.
  • Sấy khô hạt trong lò vi sóng trong 4 phút (cài đặt lò ở công suất trung bình). Đây là bước quan trọng giúp hạt giòn, thơm ngon.
  • Thêm vào hỗn hợp trên 100 gram mứt bí, 100 gram hạt sen, 100 gram mứt vỏ chanh, 100 gram mứt gừng, 100 gram mứt vỏ cam, 100 gram lạp xưởng (đã luộc chín, cắt hạt lưu),  20ml dầu mè, 50ml rượu mai quế lộ, 10gram bột bánh dẻo, 1 muỗng cà phê nước hoa bưởi, 1 muỗng cà phê muối.
  • Trộn đều hỗn hợp nhân bánh.

Trong cách làm bánh trung thu thập cẩm nướng, không thiếu nguyên liệu quan trọng là rượu mai quế lộ, bởi nó giúp tăng hương thơm đặc trưng và làm dậy mùi các thành phần trong nhân.

Mẹo nhỏ: Để các nguyên liệu kết dính hơn, bạn có thể cho các nguyên liệu vào máy xay thịt và xay trong 30 giây. Không xay quá lâu, dễ khiến làm nhân bị nát. Ngoài ra, nếu nhân không kết dính, bạn có thể cho vào nhân một ít bột nếp hoặc một ít nước đường.

Làm vỏ và tạo hình bánh 

Để làm vỏ bánh, bạn trộn 300 gram bột mì, 80ml dầu ăn, 200ml nước đường đã nấu, và 1 muỗng cà phê nước tro tàu. Trộn đều nguyên liệu đến khi nào chúng kết dính lại với nhau.

Sau đó, nhào bột thành khối đồng nhất, dẻo mịn và không dính tay, đây chính là phần vỏ bánh.

Chia phần vỏ bánh này và nhân đã làm thành 10 phần bằng nhau. Vo tròn nhân bánh. Dùng cây cán bột cán mỏng bỏ bánh, đủ để đặt nhân vào giữa. Túm kín mép bột để khép miệng nhân lại. Vo tròn bánh.

Tiếp theo, bạn tạo hình cho bánh bằng khuôn. Làm tương tự với các phần vỏ bánh và nhân bánh còn lại.

Mẹo nhỏ: Nếu khối bột sau khi nhào bị khô, không có độ kết dính, bạn có thể thêm nước đường hoặc dầu để làm bột ẩm hơn. Khi tạo hình bánh, bạn nên có thể chia bột bánh và nhân theo tỉ lệ 2 phần vỏ : 3 phần nhân (tức là đối với khuôn bánh 150 gram, bạn sẽ có 60 gram vỏ bánh : 90 gram nhân).

Nướng bánh 

  • Đặt bánh trung thu đã tạo hình vào lò nướng.
  • Cài đặt nhiệt độ lò là 200 độ C và thời gian nướng là 10 phút.
  • Sau 10 phút, mở lò, phun sương nước lên bề mặt bánh và để nguội
  • Tiếp đến, đánh tan 2 quả trứng gà trong một cái bát. Thêm 2 muỗng dầu ăn, khấy đều. Lọc hỗn hợp trứng, dầu ăn qua rây và phết đều lên bề mặt bánh.
  • Đóng lò nướng, tiếp tục nướng thêm 10 phút nữa, vẫn giữ ở nhiệt độ lò là 200 độ C.
  • Khi bánh chín, lấy bánh ra để nguội.

Lưu ý: Nướng bánh trung thu bằng nồi chiên không dầu là một lựa chọn tiện lợi nếu bạn không có lò nướng. Trước khi nướng, bạn nên làm nóng nồi chiên không dầu ở nhiệt độ 150 độ C  trong khoảng 3-5 phút để nồi đạt nhiệt độ ổn định.

Sau đó, thực hiện các thao tác sau với quy trình nướng bánh trung thu thập cẩm bằng nồi chiên không dầu:

  • Lót giấy nến hoặc giấy bạc trong nồi chiên không dầu
  • Đặt bánh lên giấy nến hoặc giấy bạc trong nồi chiên không dầu
  • Nướng bánh trong 5 – 7 phút, ở nhiệt độ nồi là 150 độ C
  • Lấy bánh ra khỏi nồi và để nguội khoảng 5 phút.
  • Dùng bình xịt nước phun một lớp mỏng nước lên bề mặt bánh để bánh nguội dần và không bị nứt.
  • Quét một lớp mỏng hỗn hợp lòng đỏ trứng và dầu ăn lên bề mặt bánh để bánh có màu vàng đẹp sau khi nướng.
  • Tiếp tục nướng bánh lần 2 ở nhiệt độ nồi là 140-150 độ C trong khoảng 5-7 phút
  • Để bánh nguội hoàn toàn

Yêu cầu thành phẩm 

Bánh trung thu thập cẩm phải có vỏ ngoài giòn, màu vàng nâu, đẹp mắt, khi ăn, nhân trong bánh mềm tan, có vị beo béo hoàn quyện cùng vị giòn ngọt, bùi bùi của các nguyên liệu.

Lưu ý khi nướng bánh trung thu thập cẩm 

  • Sau khi lấy bánh ra khỏi lò nướng hoặc nồi chiên không dầu, phải để bánh nguội hoàn toàn, để bề mặt bánh khô và đạt được độ giòn
  • Bánh trung thu sau khi nướng có thể hơi cứng, nhưng để qua 1-2 ngày bánh sẽ trở nên mềm và ngon hơn nhờ nước đường thấm đều vào vỏ bánh.
  • Nếu nướng bánh bằng nồi chiên không dầu, phải kiểm tra bánh thường xuyên để điều chỉnh thời gian và nhiệt độ cho phù hợp vì mỗi loại nồi chiên không dầu có công suất khác nhau.
  • Đảm bảo bánh không xếp chồng lên nhau để nhiệt lượng phân bố đều, giúp bánh chín đều và có màu đẹp.
  • Không nên nướng bánh quá lâu, sẽ làm vỏ bánh bị nứt
  • Việc phun nước lên bề mặt bánh sau khi nướng bánh lần 1 sẽ giúp bề mặt bánh không bị nứt.
  • Không phết quá nhiều hỗn hợp trứng, dầu ăn lên bánh vì sẽ làm bánh mất vân trang trí
  • Nên đợi bánh nguội hẳn mới phết trứng, để tránh làm bề mặt bánh bị lợn cợn do trứng gặp nhiệt độ cao sẽ chín.