Máy lạnh – Điều hòa cũ: Tốn điện, dễ hỏng
Theo KS Trương Văn Hùng, nhiều gia đình có nhu cầu sử dụng điều hòa nhiệt độ, nhưng bỏ ra một khoản đầu tư ban đầu để mua máy mới không phải dễ dàng, vì thế họ lựa chọn phương án mua máy lạnh đã qua sử dụng. Tuy nhiên, đây không phải lựa chọn khôn ngoan, bởi chi phí tiết kiệm được ban đầu sẽ nhanh chóng bù vào các khoản sửa chữa và chi phí cho mức tiêu thụ điện năng cao nếu bạn mua phải máy lạnh đã qua sử dụng thời gian dài.
Một chiếc máy lạnh quá cũ sẽ có hiệu suất làm mát không cao vì động cơ yếu, cũ kỹ, nên tiêu hao rất nhiều điện để đạt được nhiệt độ lạnh như mong muốn. Hơn nữa, hệ thống tản nhiệt của dàn lạnh và dàn nóng không còn tốt như máy mới nên năng suất lạnh cũng sẽ giảm đi. Đấy là chưa nói đến những loại máy model cũ, bản thân nó đã có hiệu suất làm lạnh thấp hơn các dòng máy đời mới và khi đã qua sử dụng thời gian dài thì chắc chắn sẽ có mức hao tổn điện năng sẽ rất lớn.
KS Trương Văn Hùng cũng cho rằng, cánh quạt của máy lạnh model cũ thường được thiết kế nhỏ và động cơ quạt sau nhiều năm sử dụng cũng yếu hơn nên sẽ không tạo đủ lực đẩy để tỏa không khí lạnh đều khắp phòng. Máy lạnh trong thời gian dài sử dụng cũng dễ gặp trục trặc, hỏng hóc và cần bảo trì liên tục. Những chi phí cho việc nạp gas, bảo trì, sửa chữa, khắc phục các vấn đề hỏng hóc sẽ không phải là nhỏ so với khoản tiết kiệm được do đầu tư ban đầu.
“Lời khuyên cho những gia đình đã sử dụng máy lạnh quá lâu, cũ kỹ hoặc những gia đình dự định mua máy lạnh cũ để tiết kiệm tiền, đó là nên cân nhắc việc mua một chiếc máy lạnh đời mới, với các tính năng tiết kiệm điện, thanh lọc không khí, hiệu suất làm lạnh cao… sẽ hiệu quả hơn rất nhiều”, KS Trương Văn Hùng nhấn mạnh. Tuy nhiên, đối với các trường hợp vì nhu cầu sử dụng cao nhưng khả năng tài chính có hạn và buộc phải lựa chọn máy cũ thì nên tìm hiểu kỹ về sản phẩm, đồng thời nhờ thợ kỹ thuật quen để kiểm tra chất lượng máy.
Bật tắt liên tục: Tốn điện, hại sức khỏe:
Một thói quen của người sử dụng mà KS Trương Văn Hùng cho rằng cần cảnh báo là việc bật tắt điều hòa nhiều lần trong thời gian ngắn. Nhiều người có thói quen ra khỏi phòng, dù chỉ chốc lát, là lập tức tắt máy máy lạnh; hoặc có trường hợp khi bật máy thường để nhiệt độ lạnh sâu, chờ cho phòng thật mát thì tắt và bật quạt, đến khi cảm thấy nóng thì lại bật máy một lúc.
Thực tế, đây là một sai lầm làm tốn điện thêm và còn nhanh hỏng máy. Khi bật máy trở lại, máy phải tiêu tốn rất nhiều điện năng nhằm khởi động máy nén, động cơ quạt và để làm lạnh không khí đến mức nhiệt độ yêu cầu. Vì khi đó nhiệt độ trong phòng đã nóng lên vài độ, đến mức cơ thể cảm nhận được.
Hơn nữa, BS Nguyễn Văn Hùng, nguyên bác sĩ Viện 5, cũng đưa ra cảnh báo về việc liên tục thay đổi nhiệt độ phòng sẽ ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe, nhất là đối với người già và trẻ em. Khả năng tự ổn định thân nhiệt ở mỗi người một khác, nhưng dù với người khỏe mạnh đến đâu, việc ở lâu trong một môi trường nhiệt độ thay đổi liên tục cũng dễ bị sốc, có thể gây các triệu chứng đau đầu, cơ thể mệt mỏi, khó chịu, giống như bệnh cúm, thậm chí là cả các bệnh về đường hô hấp.
Để tiết kiệm điện hiệu quả, tốt nhất nên duy trì nhiệt độ phòng ở mức ổn định khoảng 28 – 29 độ C, có thể dùng thêm quạt nhẹ để không khí lạnh lan tỏa đều khắp phòng. Đóng kín cửa phòng để giữ nhiệt mát, nhưng thỉnh thoảng cũng nên mở cửa một lát để lấy thêm không khí tươi bên ngoài, bổ sung lượng oxy mất đi trong phòng kín, giúp người ngồi lâu trong phòng đỡ cảm giác mệt mỏi, khó chịu.